Trái cây tốt cho người bệnh tiểu đường

Trái cây là một thực phẩm rất quan trọng, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng lành mạnh cho cơ thể. Tuy nhiên, trong trái cây cũng chứa lượng đường tự nhiên cao, nếu sử dụng quá nhiều sẽ không tốt cho người bệnh tiểu đường.


Mỗi loại trái cây sẽ cung cấp các loại vitamin và khoáng chất riêng.

Lợi ích của trái cây:

Trái cây cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như vitamin A, B, C, canxi, phốt pho, sắt, kẽm… cần thiết cho quá trình trao đổi chất và các hoạt động của cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa bệnh tật. Trái cây cũng cung cấp các chất chống ôxy hóa làm cho quá trính lão hóa của cơ thể diễn ra chậm hơn, giúp chúng ta trẻ hơn và ngăn ngừa được tình trạng bệnh lý. Các loại trái cây đều có hàm lượng nước lớn, chiếm 75-95%, giúp bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể. Cung cấp chất xơ, đây là chất rất quan trọng với cơ thể, giúp điều hòa nhu động của tiêu hóa. Các bệnh nhân tiểu đường, nhất là người cao tuổi rất dễ bị táo bón, ăn nhiều trái cây cung cấp chất xơ giúp tiêu hóa tốt hơn, ngoài ra còn giúp đường huyết không bị tăng lên đột ngột. Ngoài cung cấp các thành phần vi lượng và chất xơ, trái cây còn cung cấp các thành phần đại lượng như đạm, chất béo (thành phần rất ít trừ trái bơ cung cấp nhiều axít béo không no rất tốt cho cơ thể), đường (fruco, fructo, sacaro). Tuy nhiên, đối với bệnh nhân tiểu đường việc ăn trái cây cần phải cân đối và phù hợp, nếu sử dụng quá nhiều sẽ có nguy cơ làm tăng đường huyết.

Lựa chọn trái cây phù hợp với bệnh nhân tiểu đường:

Mỗi loại trái cây sẽ cung cấp các loại vitamin và khoáng chất riêng, do đó nên phối hợp nhiều loại trái cây để cơ thể hấp thu được nhiều nhất, đầy đủ nhất các loại khoáng chất đó. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường nên lựa chọn và sử dụng trái cây phù hợp với tình trạng và mức độ bệnh của mình.

Có những loại trái cây ăn vào làm đường huyết tăng rất nhanh, tuy nhiên cũng có loại ăn vào lượng đường tăng thấp. Những loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp tốt cho bệnh nhân tiểu đường, có thể sử dụng thường xuyên như: bưởi, cam, thanh long, bơ, ổi, lê, táo…

Những trái cây như xoài, nhãn, vải, sầu riêng… nên được sử dụng hạn chế vì chúng có hàm lượng đường cao. Khi ăn trái cây nên ăn nguyên cả trái, ăn cả phần vỏ và phần thịt, đối với táo nên ăn cả vỏ vì thành phần chất xơ có nhiều trong vỏ và thịt của trái táo hoặc bưởi, cam nên ăn nguyên cả tép, không nên ép nước uống. Vì nước trái cây là một trong những nguyên nhân làm lượng đường trong máu tăng đột ngột.

Việc nhai hay ăn bằng miệng giúp cơ thể hấp thụ dần lượng đường đưa vào, nếu có sự gia tăng hàm lượng đường nó cũng diễn ra chậm hơn. Ngoài ra, việc ăn hoa quả còn làm tăng hàm lượng chất xơ cho cơ thể, giúp chống táo bón, giảm mỡ máu… Không ăn trái cây dầm với sữa đặc vì cũng làm tăng đường huyết. Người bệnh tiểu đường cũng tránh ăn trái cây quá chín vì lúc đó lượng đường trong trái cây lên cao nhất. Trái cây khô bị cô đặc làm nồng độ đường trong trái cây tăng lên cũng không tốt cho bệnh nhân đái tháo đường.

Thời điểm ăn trái cây, theo lời khuyên của Hiệp hội Tiểu đường Mỹ nên ăn trái cây cùng bữa chính hoặc ăn cách bữa chính 2 giờ, tùy đặc điểm văn hóa từng vùng và điều kiện bệnh nhân. Có quan điểm, nên ăn trái cây ít nhất 2 giờ sau các bữa ăn vì ăn lúc này sẽ không làm đường huyết của người bệnh bị tăng đột ngột. Thời gian lý tưởng để ăn trái cây là giữa buổi sáng, khoảng 11 giờ sáng hoặc vào buổi tối lúc 5 giờ chiều.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, ăn trái cây cùng với bữa ăn chính sẽ kiểm soát được lượng trái cây nạp vào cơ thể, sau bữa ăn 2 giờ bệnh nhân thường ăn với số lượng nhiều hơn mức khuyến cáo, lượng đường khó kiểm soát hơn. Do dó, ăn vào thời điểm nào bệnh nhân tiểu đường phải tự kiểm soát được lượng trái cây nạp vào cơ thể để lượng đường không bị tăng cao. Nên ăn tùy theo thể trạng, cân nặng, công việc để sử dụng với số lượng phù hợp, thường là 2 cữ/ngày. Tùy từng bệnh nhân nên tham vấn ý kiến bác sĩ. Ví dụ lượng sử dụng phù hợp đối với một số loại trái cây phổ biến là: 2 múi bưởi, ½ quả cam, 1 quả quýt, ½ quả táo, ½ quả lê, ½ trái ổi, ¼ trái bơ 800g, ¼ thanh long, 1 quả chuối nên ăn lúc vừa chín tới, 1 trái dừa chứa 25g đường do đó nên uống ít, chôm chôm, nhãn, vải lượng sử dụng khoảng 3-4 quả, ½ múi sầu riêng… trái cây ngọt ăn ít, trái ít đường có thể sử dụng nhiều hơn.

Theo nguyên tắc bàn tay Zimbabwe mỗi ngày có thể ăn được 2 suất, mỗi suất lớn bằng nắm bàn tay của mình. Mỗi người có một khả năng hấp thu khác nhau, do vậy nên kiểm tra đường huyết trước và sau khi ăn, nếu đường huyết sau ăn thấp hơn 180mg/dL như vậy là vừa đủ và phù hợp.

BS. Trần Lượng

☎️ ĐẶT HẸN: (028) 6276 9199

📞 HOTLINE: 0901996369

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn